Từ xưa người phương Đông đều bị ảnh hưởng bởi quan niệm “trời tròn đất vuông”, khi xây nhà bất kể là tường ngoài hay trong phòng, đa số đều là hình vuông, tứ bình bất ổn, không nghiêng không lệch. Cũng có thể nói, nhìn từ vị trí của phương chính, hình dạng nhà ở hình vuông hoặc hình chữ nhật, bốn bên không khuyết góc, trái phải tương xứng với nhau, là dạng nhà ở lý tưởng nhất. Nếu nhà ở dài hẹp hoặc hình dạng không có quy tắc sẽ cho là không cát lợi.
(ảnh minh họa)
Đó là vì theo nguyên tắc phong thủy học, nhà ở hình vuông có thể khiến năng lượng của khí sinh ra dòng chảy tuần hoàn cân bằng, sẽ không xảy ra nhiều tai họa hoặc tai họa bất ngờ, từ đó ảnh hưởng tốt đến sức khỏe cơ thể và tâm lý người ở. Còn nhà ở dài và hẹp hoặc khuyết góc, khí trong nhà sẽ ngưng tụ, hoặc chảy không có quy luật, sự phân bố trường năng lượng sẽ mất cân bằng, có ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống thường ngày của người ở.
Nhà hình chữ L được coi là xấu vì nó trông giống cao dao phay và vị trí đại hung (xấu nhất) là chỗ “lưỡi dao”. Nếu phòng trẻ em đặt ở vị trí này, chúng sẽ cảm thấy bị cô lập và có thể nghĩ ra nhiều trò quỷ quái mà không ai phát hiện được. Nếu người lớn tuổi ở trong phòng đó, họ có thể cảm thấy bị bạc đãi.
Vị trí căn nhà của chúng ta đặt trong bối cảnh môi trường sống và mức độ tương xứng của nó so với các ngôi nhà khác trong khu vực xung quanh có thể ảnh hưởng đến sự thoải mái của chúng ta khi sống ở đó. Nếu ngôi nhà của chúng ta là một dinh thự nguy nga nằm chơ vơ, biệt lập trên một con đường toàn những ngôi nhà nhỏ nằm liền nhau thì chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi cộng đồng.
Tương tự, nếu căn nhà có lối kiến trúc quá lạ so với các ngôi nhà hàng xóm thì nó không phù hợp với môi trường đó. Các quy định nghiêm ngặt về quy hoạch xây dựng ở một số nơi đã gìn giữ được cái “thần” hay khí của thị trấn và ngôi làng, và ở những khu vực đó người ta thường có ý thức về cộng đồng.
Ngược lại, ở những nơi các khối nhà chọc trời, không bị hạn chế về chiều cao được dựng lên chen giữa những ngôi nhà hai tầng mà chẳng đoái hoài gì đến cảnh sắc môi trường thì nơi đó khí bị phát tán và ý thức cộng đồng cũng không có.
Khi cải sửa hay trang trí lại căn nhà của mình, chúng ta phải chú ý đến tác động của nó đối với những căn nhà bên cạnh. Nếu nhà của chúng ta là căn nhà trát thạch cao duy nhất trong dãy nhà gạch thì chúng ta tự cô lập mình và thay đổi tính chất của khí trong khu vực.
Nếu tất cả ngôi nhà trong khu phố xây dựng theo lối kiến trúc của một thời nào đó, trong khi chúng ta muốn thay kiểu cửa sổ hoặc thay đổi đáng kể các chi tiết kiến trúc thì một lần nữa chúng ta lại làm tổn hại năng lượng của môi trường. Cửa ra vào, cột ống khói và hàng hiên đều đóng góp tính cách riêng và sự cân đối chung không những cho ngôi nhà của chúng ta mà còn cho toàn khu phố.
Đoan Trang
(Báo Xây dựng)