Ngăn chặn người Trung Quốc núp bóng người Việt lập vi bằng gom đất

chan-nguoi-trung-quoc-nup-bong-nguoi-viet-lap-vi-bang-gom-dat.jpg

Nhiều người Trung Quốc tìm mọi cách bám trụ lại Nha Trang nên đã núp bóng người Việt Nam nhờ đứng tên mua đất thông qua vi bằng Thừa phát lại. Trước tình trạng này, Văn phòng Thừa phát lại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết sẽ không làm việc với tất cả trường hợp người Trung Quốc liên quan đến việc mua bán bất động sản tại Nha Trang.

Vi bằng phải được đăng ký tại Sở tư pháp

Hiện chưa có luật cụ thể về Thừa phát lại, chế định Thừa phát lại cũng còn khá mới mẻ và đang áp dụng theo quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Tp.HCM, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo bổ nhiệm của nhà nước, các Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng cũng như các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan. Thừa phát lại cũng là cơ quan lập vi bằng. Đây là một loại giấy tờ ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác; "có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật". Trong một vụ án, khi đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, tòa án có thể sẽ triệu tập Thừa phát lại để làm rõ tính xác thực của vi bằng nếu thấy cần thiết.

Quy định nêu rõ, khi lập vi bằng theo yêu cầu của đương sự, Thừa phát lại phải tuân thủ về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng. Cụ thể, Thừa phát lại không được phép lập vi bằng trong các trường hợp liên quan đến quyền, lợi ích cá nhân của mình và những người thân thích. Thừa phát lại cũng không được lập vi bằng đối với các trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư; thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp...

lập vi bằng gom đất
Người Trung Quốc tràn ngập ở Nha Trang, trong đó nhiều người núp bóng
người Việt Nam lập vi bằng để gom đất. Ảnh: Kỳ Nam

Ngoài ra, Thừa phát lại không lập vi bằng đối với các sự kiện hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ nếu sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng hoặc theo đề nghị của cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Vi bằng chỉ được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại sở tư pháp sở tại. Sở tư pháp có trách nhiệm vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại trong thời gian không quá 2 ngày làm việc tính từ ngày nhận được vi bằng. Sở tư pháp được từ chối đăng ký trong trường hợp phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng, không được gửi đúng thời hạn để đăng ký theo quy định. Tuy nhiên, nếu từ chối đăng ký vi bằng, Sở tư pháp phải thông báo ngay bằng văn bản cho văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng, trong thông báo phải nêu rõ lý do từ chối đăng ký.

Ngăn chặn hợp thức hóa giao dịch vi bằng trái luật

Theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014: "Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực bảo đảm an ninh quốc phòng của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại hoặc của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sở hữu nhà ở mà có nhu cầu bán trước khi hết hạn sở hữu nhà ở."

Như vậy việc một số người Trung Quốc tổ chức gom mua nhà đất rồi nhờ người Việt Nam đứng tên là vi phạm điều cấm của Luật Nhà ở năm 2004. Do đó, tất cả các hành vi quảng bá cũng như thực hiện lập vi bằng xác nhận, hợp thức hóa các giao dịch trái luật đều không hợp pháp và được cho là vi phạm pháp luật. Nếu phát hiện người Việt Nam đứng tên và yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng để hợp thức hóa giao dịch trái pháp luật cho người nước ngoài thì Văn phòng Thừa phát lại không được lập vi bằng. Trong trường hợp các bên vẫn cố ý thỏa thuận lập vi bằng để phục vụ cho các giao dịch trái pháp luật này thì Sở tư pháp phải từ chối việc đăng ký. Ngoài ra, lý do vi bằng bị từ chối đăng ký cũng là nguồn thông tin chính thức, cơ sở để các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.

Vi bằng không phải là công chứng

Để người yêu cầu không bị nhầm lẫn, khi lập vi bằng có liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực, Thừa phát lại được hướng dẫn lập vi bằng để ghi nhận các sự kiện, hành vi liên quan đến các hợp đồng, giao dịch mà không chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Đồng thời, trong vi bằng cần ghi rõ nội dung: "Vi bằng này không thay thế văn bản công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực."

(Theo Người lao động) 

Facebook