GIỚI THIỆU CÁC LOẠI PHÍ CÔNG CHỨNG

gioi-thieu-cac-loai-phi-cong-chung.jpg

Phí công chứng, thù lao công chứng, các chi phí khi công chứng tính như thế nào? Chi phí nào có thể giảm được ?

Theo luật công chứng, thì khi chứng nhận hợp đồng, tổ chức hành nghề công chứng được thu khoản phí là:

1.Phí Công chứng (Cố định - Theo quy định tại thông tư 08/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 19 tháng 01 năm 2012).

2.Thù lao công chứng (Không cố định  - có sự niêm yết công khai tại phòng công chứng).

3. Chi phí khác (Không cố định – không niêm yết công khai, tùy từng vụ việc mới phát sinh khoản chi phí này).

Tổng chi phí bạn phải thanh toán là tổng của Điểm 1, Điểm 2, Điểm 3 trên đây, gọi chung là “Tổng phí công chứng”. Hãy cố gắng đọc hết bài viết này, vì có thể nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ chút nào.

Vậy thì, làm thế nào để tiết kiệm chi phí cho việc công chứng?

A. Giảm phí công chứng: Đây là việc tương đối khó khăn, vì phí công chứng có mức thu cố định, quy định trong luật. Tuy nhiên, có một số điểm bạn có thể chú ý để giảm phí công chứng và không để bị kế toán của phòng công chứng “qua mặt”:

Chú ý 1: Các trường hợp ủy quyền: Đây là trường hợp có một số văn phòng lập lờ để lạm thu phí công chứng của khách hàng. Theo luật, phí công chứng của Giấy ủy quyền là 20.000 Đ (hai mươi nghìn đồng) và phí công chứng của Hợp đồng ủy quyền là 40.000 Đ (bốn mươi nghìn đồng). Tổ chức công chứng nào mà thu phí công chứng ủy quyền theo giá trị của tài sản (tài sản giá trị lớn thì phí công chứng ủy quyền càng lớn) là hoàn toàn trái quy định của pháp luật.

+ Chú ý 2:  Các trường hợp thế chấp tài sản: Luật quy định là phí công chứng sẽ được tính dựa theo giá trị khoản vay ghi trong hợp đồng thế chấp, trường hợp không ghi giá trị khoản vay thì sẽ tính theo giá trị định giá tài sản thế chấp. Vậy thì, nếu hợp đồng của bạn có ghi giá trị khoản vay mà công chứng lại thu theo giá trị định giá là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

+ Chú ý 3: Các trường hợp mua bán nhà đất, chuyển nhượng hợp đồng. Theo quy định của pháp luật, trường hợp giá mua bán hoặc giá chuyển nhượng ghi trong hợp đồng thấp hơn giá tài sản theo khung do nhà nước quy định thì phí công chứng sẽ tính theo giá khung; trường hợp giá chuyển nhượng ghi trong hợp đồng cao hơn khung thì phí công chứng sẽ tính theo giá chuyển nhượng ghi trong hợp đồng. Vậy thì, bạn cần chú ý ở đây là “Khung giá nhà nước quy định” ở đây được tính căn cứ ở đâu. Xem thêm: thủ tục mua bán nhà đất

Khung giá nhà đất được quy định theo từng tỉnh và từng năm một.

Trước đây đã từng có tổ chức công chứng thu phí công chứng theo giá thị trường (mà thông thường giá thị trường sẽ cao gấp khoảng 2 lần so với khung giá đất do UBND thành phố ban hành).

Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị mất thêm vài triệu đồng.

Xem thêm: thủ tục mua bán nhà đất

 

B. Giảm thù lao công chứng:

Đây là phần dễ giảm nhất mà lại ít người để ý. Thù lao công chứng hiểu nôm na là tiền tư vấn, soạn thảo hợp đồng, kiểm tra tính pháp lý của hợp đồng cho bạn. Thù lao có thể thỏa thuận, tuy nhiên thường thì phòng công chứng sẽ định ra bẳng thù lao sẵn và có sự niêm yết công khai, nên nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí thì bạn có thể tham khảo bảng thù lao công chứng tại một số tổ chức hành nghề công chứng.

Tổ chức công chứng nào niêm yết công khai mà chi phí thấp thì mình làm tại đó.

Ví dụ: Hợp đồng thế chấp, có phòng công chứng thu 100.000 Đ (một trăm nghìn đồng) tiền thù lao công chứng, không thu thù lao ký ngoài trụ sở. Có phòng thu 500.000 Đ thù lao công chứng và 800.000 Đ thù lao ký ngoài trụ sở. Như vậy, nếu biết về điều này, có thể bạn đã tiết kiệm được 1.200.000 Đ mà chẳng cần phải làm gì nhiều.

C. Giảm chi phí khác:

Các chi phí này chỉ phát sinh trong một số trường hợp đặc biệt. Ví dụ, trường hợp công chứng viên của phòng công chứng ở Hà Nội vào trong TP Hồ Chí Minh để ký Hợp đồng công chứng, người yêu cầu công chứng sẽ phải chịu chi phí máy bay, đi lại, ăn ở của công chứng viên. Hoặc trong một số trường hợp công chứng viên đi xác minh tình trạng hôn nhân của đương sự, chi phí làm việc với các cơ quan, cá nhân, tổ chức có liên quan thuộc vào “Chi phí khác”. Vậy thì, để tiết kiệm chi phí, bạn cần thỏa thuận thật kỹ về khoản chi phí này trước khi yêu cầu dịch vụ công chứng.

Nếu các bạn phát hiện tổ chức công chứng nào lạm thu, thu sai quy định của pháp luật như những điều chúng tôi nói dưới đây thì hãy liên lạc ngay với chúng tôi theo đường link dưới bài viết này hoặc số điện thoại trực tiếp ở bên trên trang web, chúng tôi hỗ trợ bạn ngay lập tức.

Trên đây là một số cách để tiết giảm chi phí công chứng. Nhưng điều quan trọng khi công chứng không hẳn là vấn đề về chi phí mà là vấn đề “giải quyết được vấn đề một cách tốt nhất”.

Facebook