Tại sao người nghèo hay sập bẫy tín dụng đen?

tai-sao-nguoi-ngheo-hay-sap-bay-tin-dung-den.jpg

Tại sao người nghèo hay sập bẫy tín dụng đen?

Sở dĩ người nghèo trở thành nạn nhân chính của các hoạt động cho vay kiểu tín dụng đen là do mục đích vay tiền không chính đáng hoặc thiếu kiến thức pháp luật, đôi khi còn do họ ngần ngại đến ngân hàng nên đã tìm đến tín dụng đen.

Sợ tiếp cận ngân hàng

Lý do đầu tiên các nạn nhân nhắc đến khi phải đi vay tín dụng đen là "khó vay vốn ngân hàng". Theo đó, đối tượng vay tín dụng đen thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, trong khi mục đích vay vốn không chính đáng hoặc do sống ở nông thôn, ít giao tiếp nên ngại tiếp xúc với các nhân viên ngân hàng. Trong một hội thảo về tín dụng đen gần đây, một cán bộ Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội có kể về vài trường hợp thực tế: "Nhiều bác ở quê nếu muốn vay được từ 30-50 triệu đồng từ ngân hàng chắc là sẽ khó được tiếp đón thịnh tình như người khác. Hoặc chỉ cần phía ngân hàng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vài ba lần thôi là các bác đã chán nản rồi".

Trên thực tế, đại đa số các ngân hàng vẫn luôn khẳng định, trong bối cảnh cạnh tranh tín dụng khắc nghiệt như hiện nay, không có chuyện ngân hàng cho vay theo kiểu "trông mặt bắt hình dong" mà phải dựa vào mục đích vay vốn và phương án tài chính, khả năng trả nợ. Tuy nhiên, tâm lý "ngại" ngân hàng vẫn khiến nhiều người sẵn sàng mang sổ đỏ, giấy tờ có giá trị thế chấp cho các cá nhân, công ty bên ngoài. Bên cạnh đó, với những người làm nghề tự do, không có thu nhập ổn định, trả qua tài khoản ngân hàng, sẽ khó được chấp nhận cho vay.

vay tín dụng đen
Không ít người chấp nhận vay tiền mặt của những cá nhân, tổ chức với lãi suất cao

Mục đích vay tiền không chính đáng

Ngoài người nghèo, nhiều tiểu thương cũng muốn vay tiền kinh doanh, nhưng rất nhiều trong số những vụ việc vay tín dụng đen nhằm mục đích trả nợ do cờ bạc, chơi bời... Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp giao dịch vay vài trăm triệu đồng nhưng chỉ diễn ra gói gọn trong một ngày, trong khi thông thường, thời gian làm thủ tục sang tên theo quy định sẽ lâu hơn rất nhiều. Do đó, theo chia sẻ của một số luật sư, khi thế chấp nhà, nhiều người thực ra cũng nhận thức được rủi ro nhưng vẫn làm liều, quyết vay bằng được vì đang bị những đối tượng khác thúc đòi nợ...

Chưa kể tại Việt Nam, cách đây vài năm từng rộ lên công khai những dịch vụ đáo hạn ngân hàng do nhu cầu thực tế của nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Tất cả những mục đích này, người vay không thể tìm đến ngân hàng hay tổ chức tín dụng nên buộc phải sa vào tín dụng đen với lãi suất cắt cổ, lãi mẹ đẻ lãi con.

Quản trị tài chính cá nhân kém

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, người đã tiếp nhận nhiều vụ liên quan đến tín dụng đen phân tích, hầu hết các nạn nhân đều không biết quản trị tài chính cá nhân. Ông kể, có những người rất nghèo nhưng chỉ vì sĩ diện, muốn làm một đám cưới thật hoành tráng cho con mà cắn răng đi vay tín dụng đen 40 triệu đồng. Sau một thời gian, lãi mẹ đẻ lãi con, bản thân cô dâu chú rể nhiều năm không trả hết. "Theo tôi, nâng cao khả năng quản trị tài chính là điều then chốt giúp người dân có kiến thức cơ bản về quản lý dòng tiền, quản trị rủi ro, cân bằng được khả năng và nhu cầu tài chính của mình", ông Truyền nhận định.

cho vay vốn
Tin rao cho vay vốn thậm chí lấn sân cả dịch vụ khoan cắt bê tông trên tường

Thiếu kiến thức pháp luật

Một số luật sư thụ lý các vụ án gần đây cho biết, người đi vay tiền thường không có kiến thức, hiểu biết về pháp luật. Thông qua tín dụng đen, họ được vay tiền rất nhanh gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ vay tiền là xong. Hình thức thông thường để bảo đảm thanh toán được các bên hợp thức bằng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, sử dụng đất. Một số trường hợp khác, người vay làm hợp đồng ủy quyền cho bên cho vay tín dụng đen toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất, như để họ được giữ sổ đỏ theo hình thức thế chấp tài sản.

Cách làm này, theo các luật sư, gây rủi ro rất lớn cho người đi vay - người có sổ đỏ và thực tế đã có hàng loạt người mất nhà vì cách vay tiền thế chấp này. Theo Công ty Luật Trường Lộc, nhiều người chỉ biết một nguyên tắc cơ bản là mua bán thì phải có giao nhà cho người mua, nhận tiền của họ. Thực tế điều này cũng được quy định trong Bộ luật Dân sự. "Vì thế họ cứ ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất mà không lường đến hậu quả xảy ra. Nhưng giao dịch thực giữa bên đi vay tín dụng đen và bên cho vay lại không có việc giao nhận tiền, nhà, hay nói cách khác, họ ký hợp đồng nhưng không thực hiện hợp đồng", công ty này cho hay.

Bên cạnh đó, không ít người dân thậm chí còn kém hiểu biết tới mức nghe theo lời các công ty tín dụng đen, đặt bút ký sẵn vào giấy tờ khống (sau này sẽ được phía cho vay hợp thức hóa thành các chứng từ gây bất lợi cho người vay).

Đâu đâu cũng có dịch vụ cho vay

Một thời quảng cáo khoan cắt bê tông từng lũng đoạn các bức tường trên phố, trong khu dân cư thì khoảng vài năm trở lại đây, dịch vụ cho vay vốn đã chính thức soán chỗ. Không chỉ vậy, các công ty cho vay tài chính còn có một đội ngũ nhân viên liên tục gọi điện mời chào khách hàng vay vốn, ngay cả khi họ không có nhu cầu.

Các chuyên gia tài chính đánh giá, đôi khi, người vay thực sự chưa có nhu cầu chi tiêu nào phát sinh nhưng khi thấy những quảng cáo dịch vụ cho vay tín chấp, các dịch vụ vay vốn mời mọc quá nhiều có thể khiến họ dao động.

 
Facebook